Lượt xem: 419

Phát triển hạ tầng giao thông - “Đòn bẩy” tạo tăng trưởng kinh tế

Từ lâu, một trong những trở ngại lớn đối với việc thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng đó chính là “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” ấy sẽ được “thông suốt” khi tới đây, nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh cũng như của quốc gia về hạ tầng giao thông mang tính chiến lược, như: Dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng; đường bộ cao tốc; cầu Đại Ngãi; Cảng biển nước sâu… được hình thành, sẽ góp phần tạo động lực phát triển cho toàn vùng nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

 


Lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Sóc Trăng trong lần kiểm tra tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quang Bình

 

    Khẩn trương hoàn thiện các dự án giao thông

    Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thì tính đến cuối năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng có nhiều khởi sắc và tiếp tục phục hồi tích cực. Các cấp lãnh đạo từ tỉnh cho đến Trung ương luôn xác định, giải ngân vốn đầu tư công là “then chốt” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Theo đồng chí Trần Văn Lâu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.500 tỷ đồng. Với số vốn được phân bổ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng chính quyền các địa phương có liên quan tập trung triển khai những dự án đầu tư trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản; khu công nghiệp, khu kinh tế…

    Đặc biệt, lĩnh vực giao thông với danh mục dự án quan trọng của tỉnh như: Dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng; Dự án cải tạo, nâng cấp và thảm nhựa bê tông nhựa nóng trên các tuyến đường tỉnh: 932, 933, 934, 938, 939… và xây dựng mới các cầu cùng nhiều dự án quan trọng khác. Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án nêu trên nhằm phục vụ người dân “vui xuân, đón tết” thì mới đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát tiến độ thi công. Ông Dương Chí Hiếu, đại diện Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Sông Hậu (đơn vị thi công tuyến đường 934) cho biết, trong những ngày cuối năm 2022, đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thảm nhựa, lắp biển báo, sơn tim đường… Có được kết quả như trên là nhờ sự quan tâm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương nên đã thi công vượt tiến độ 7 tháng so với hợp đồng đã cam kết. Tuyến đường hoàn thành, giúp bà con “vui tết” an toàn, vì đường rộng rãi, thông thoáng.

    Đạt được những kết quả quan trọng

    Có dịp trở lại Sóc Trăng tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 và đi tham quan một số nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chị Trần Tú Loan, người dân quê Sóc Trăng hiện đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh vui mừng cho biết: “Theo tôi nhận thấy, Sóc Trăng mình giờ đây phát triển không thua kém gì các tỉnh, thành trong khu vực. Hạ tầng kinh tế - xã hội và đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển khá đồng bộ từ thành thị cho đến nông thôn. Minh chứng rõ nét nhất là việc đi từ trung tâm thành phố Sóc Trăng xuống huyện Trần Đề, nếu như trước đây chỉ có 1 tuyến đường độc đạo thì giờ đây, tôi sẽ có nhiều sự lựa chọn, mà đi đường nào cũng rộng rãi, thông thoáng và dễ đi, tôi rất tự hào về việc phát triển kinh tế - xã hội của quê hương mình”.

    Sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), với các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và của địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Kết quả, mạng lưới giao thông đường bộ đã bao phủ toàn tỉnh, với chiều dài trên 7.360km, bao gồm các tuyến giao thông đối ngoại gồm 5 tuyến: Quốc lộ 1A, Quốc lộ Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 60 và Quốc lộ 61B dài hơn 260km; hệ thống giao thông đối nội gồm 17 tuyến đường tỉnh dài 425km; đường đô thị, đường huyện, đường xã dài 6.670km. Giao thông đường thủy nội địa dài 2.980km.

    Kỳ vọng vào những công trình, dự án mang tính kết nối liên vùng

    Với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ dành nguồn vốn rất lớn nhằm đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông.

    Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực, Sóc Trăng sẽ hưởng lợi rất lớn từ các dự án trọng điểm, như: Cảng Trần Đề; cầu Đại Ngãi và Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng… Riêng đối với công tác chuẩn bị triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện đang diễn ra khẩn trương với kết quả khả quan. Đồng chí Đặng Văn Phương – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên phấn khởi cho biết: “Chính quyền địa phương rất vui mừng khi có tuyến đường bộ cao tốc này đi xuyên qua địa bàn huyện. Sau khi được lãnh đạo tỉnh cũng như đơn vị chủ đầu tư giao mốc giải phóng mặt bằng thì địa phương sẽ quản lý chặt chẽ, không để cho người dân làm thay đổi hiện trạng… Thời gian tới, sau khi nhận mốc giải phóng mặt bằng xong thì địa phương sẽ phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sẽ đo đạc, kiểm đếm, tiến hành giải phóng mặt bằng nhanh nhất, sớm nhất để giao chủ đầu tư thực hiện dự án đúng như kế hoạch đề ra theo sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh”.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tham quan khu trưng bày tìm năng, thế mạnh thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông vận tải… tại hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Ảnh: Quang Bình

 

    Đồng chí Trần Văn Lâu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được quy hoạch làm tuyến giao thông trục ngang, kết nối các tỉnh phía Tây và phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long. Cao tốc này không chỉ là tuyến giao thông liên tỉnh mà còn là trục đường phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu. Giai đoạn 1 của dự án thì Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 4, với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,4km, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 11.120 tỷ đồng. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến dự án này sẽ được khởi công trong năm 2023.

    Dù còn nhiều khó khăn và nguồn lực có hạn, nhưng với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm thì đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã từng bước đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các tuyến đường. Đặc biệt, với hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng đang được chuẩn bị đầu tư thì đây sẽ là các dự án “trọng điểm” của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ của tỉnh nhà, kết nối với hệ thống giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.

Quang Bình



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 783
  • Trong tuần: 70,116
  • Tất cả: 11,864,143